Ứng dụng flycam phát hiện điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của con người lên môi trường ngày càng gia tăng, tình trạng sạt lở đất tại các vùng đồi núi, ven sông suối trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Để đối phó với nguy cơ này, công nghệ flycam (máy bay không người lái) đang được áp dụng rộng rãi, trở thành công cụ đắc lực giúp phát hiện sớm các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở.
Những ứng dụng của Flycam trong công tác quản lý rủi ro thiên tai
Tuy được biết đến với vai trò thiết bị dùng để hỗ trợ công việc và giải trí nhưng hiện nay drone hay thường biết đến với tên gọi Flycam, đã và đang đóng góp rất nhiều vào công cuộc quản lý rủi ro, phòng chống thiên tai và thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn.
Lập bản đồ 3D địa hình bằng LiDAR
Flycam có khả năng ghi hình từ trên cao với độ phân giải cao, giúp các chuyên gia quan sát địa hình một cách tổng quan và chi tiết. Không những vậy, việc ứng dụng công nghệ LiDAR để thu thập và biến những dữ liệu thành bản đồ 3D một cách trực quan sinh động có độ chính xác cao. Thay vì phải tiếp cận trực tiếp những khu vực nguy hiểm, người sử dụng flycam có thể thu thập dữ liệu từ khoảng cách an toàn, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Bản đồ 3D sau khi được dựng lại sẽ cung cấp những thông tin quý giá về tình trạng địa hình, sự thay đổi cấu trúc bề mặt, hoặc các vết nứt xuất hiện trên mặt đất, những dấu hiệu ban đầu của sạt lở.
Đánh giá hiện trạng Trước / Sau của khu vực khảo sát
Với lợi thế bay rất cao và camera có độ phân giải lớn, Flycam thực hiện bay và chụp lại các vị trí và khu vực cần khảo sát để đưa ra thông tin đánh giá hiện trạng trước và sau thiên tai, các điểm có nguy cơ cao sẽ được đánh dấu, phân tích và xử lý kịp thời, giúp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, từ việc gia cố hạ tầng, đến di dời dân cư.
Tầm nhiệt để phát hiện con người/ động vật
Một trong những ứng dụng được dùng phổ biến nhất trong giai đoạn lũ và sạt lở diễn biến phức tạp chính là khả năng tầm nhiệt, tầm nhìn ban đêm của flycam. Các thiết bị cao cấp như DJI Mavic 3T, DJI Matrice 30T được trang bị camera hồng ngoại, cho phép thực hiện cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân kể cả khi trời tối, thiếu sáng. Đặc biệt, phát hiện chênh lệch nhiệt độ của người bị nạn so với dòng nước giúp lực lượng cứu hộ tìm kiếm nhanh hơn.
Đồng thời, việc trang bị thêm được các phương tiện cứu hộ như đèn trợ sáng và loa phát thanh cũng giúp ích rất nhiều trong việc tìm kiếm, giao tiếp và phát hiện nạn nhân.
Khả năng vận tải hàng hóa cứu trợ
Qua các hoạt động thực tế đã chứng minh ứng dụng chuyên chở hàng hóa tiếp tế cho người dân ở những vùng bị lũ cô lập là vô cùng phù hợp. Khả năng hoạt động kể cả trong thời tiết bất lợi như có gió và mưa (trừ những trường hợp mưa và gió quá to, có lốc) và tải hàng hóa lên đến 30-40Kg, tầm hoạt động xa từ 8 Km đến 16 Km. Tính năng thả hàng từ dây xuống an toàn cho người nhận hàng. Hoặc trong tình huống không thể đáp hoặc thả dây, máy bay có thể chọn chế độ thả từ trên cao, phù hợp trong việc ném phao cứu hộ hoặc áo phao cho những người ở giữa dòng nước.
Thế hệ máy bay không người lái đã phát triển đáp ứng tốt công tác cứu hộ tại Việt Nam. Trong tương lai máy bay sẽ tiếp tục được cải tiến và mang tính ứng dụng thực tiễn hơn nữa.
Kết luận
Với khả năng hoạt động tại các khu vực hiểm trở, địa hình phức tạp mà các phương tiện thông thường khó tiếp cận, flycam không chỉ là giải pháp kỹ thuật hiệu quả mà còn giúp giảm thiểu rủi ro cho con người trong quá trình khảo sát. Nhờ ứng dụng flycam, các công tác phòng chống sạt lở được thực hiện một cách chủ động và chính xác hơn, góp phần bảo vệ an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại về tài sản trong những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.