QUY ĐỊNH SỬ DỤNG DRONE TẠI VIỆT NAM MỚI NHẤT

Máy bay không người lái hay còn được biết đến với tên gọi Flycam, UAV hay Drone là những thiết bị phục vụ nhiều mục đích như nông nghiệp, công nghiệp giải trí và sáng tạo. Tuy nhiên khác với các công cụ khác, thiết bị bay không người lái được quản lý chặt chẽ hơn và có nhiều quy định liên quan khi sử dụng. Hãy cùng tìm hiểu những quy định mới nhất nhé!
Nội dung bài

Tại sao phải có quy định khi sử dụng Drone?

Thiết bị bay không người lái viết tắt là UAV (Unmanned Aerial Vehicle) là tên gọi chung của các phương tiện bay không có người điều khiển trực tiếp ở trên phương tiện, mà được điều khiển từ xa qua phần mềm hoặc tay cầm bởi người điều khiển dưới mặt đất. Ngoài ra còn có những tên gọi như Drone, Flycam, máy bay điều khiển từ xa…

Tuy chức năng cũng tương tự như các thiết bị phục vụ cho việc quay phim chụp ảnh khác, Drone lại được quản lý và kiểm soát chặt chẽ bởi các loại quy định nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng lẫn an toàn cho người và các công trình an ninh khác. Chính vì đặc điểm cho thể bay trên không trung và ghi lại hình ảnh, Drone có thể bị sử dụng cho các mục đích trái phép như xâm phạm đời tư của người khác, xâm phạm bí mật an ninh, quốc phòng và gây nguy hiểm cho các phương tiện bay.

Cần hiểu rõ các quy định liên quan đến Drone để đảm bảo an toàn cho mình và người khác

Xin cấp phép khi sử dụng thiết bị bay không người lái

Khi cần sử dụng drone cho bất kì mục đích gì, chúng ta cần phải xin cấp giấy phép bay và được đồng ý bằng văn bản trước khi cất cánh. Việc có giấy phép giúp cơ quan quản lý xác định được chủ sở hữu và loại thiết bị liên quan nếu như xảy ra trường hợp quy phạm các quy định hoặc bay vào khu vực cấm.

Chúng ta có thể xin cấp phép bay ở đâu?

Theo Điều 8 Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 quy định Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu được cấp phép hoặc từ chối cấp phép đối với những thiết bị máy bay không người lái, các loại khí cầu không có người điều khiển hoặc các loại khí cầu, các mô hình bay có người điều khiển nhưng không cất cánh, hạ cánh tại các sân bay được phép hoạt động.

Thủ tục và hồ sơ liên quan

Theo Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp phép sử dụng thiết bị bay không người lái tại Việt Nam gồm có:

  • Đơn xin cấp phép bay thiết bị bay không người lái (Nghị định 79/2011/NĐ- CP) (Điền theo thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh).

  • Các tài liệu kỹ thuật về máy bay không người lái bao gồm: Ảnh chụp, thông số kỹ thuật, thông tin tính năng của thiết bị.

  • Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép thiết bị bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại các khu vực được phép bao gồm cả trên mặt đất và mặt nước.

  • Các giấy tờ, tài liệu chính thống khác có liên quan đến thiết bị bay.

Mẫu đơn cấp phép >>

Thời gian nộp đơn & phản hồi

Ít nhất 7 ngày trước ngày thực hiện các chuyến bay, cá nhân hay tổ chức cần nộp đơn xin cấp phép tới Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu. Hoặc đối với đơn xin sửa lại phép bay cũng cần gửi tới Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu trước ngày bay ít nhất 7 ngày.

Theo Điều 10 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, sau tối đa 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn đề nghị cấp phép bay từ các cá nhân, tổ chức, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu sẽ thực hiện cấp phép cho người đăng ký. Đối với đơn xin sửa đổi phép bay, thời hạn xử lý đơn là 3 ngày để Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép bay.

Để quá trình xin cấp phép bay được diễn ra suôn sẻ, chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ, tài liệu liên quan.

Trách nhiệm của cá nhân và đơn vị tổ chức bay

Theo Điều 13 của Nghị định 79/2011/NĐ-CP, các đơn vị tổ chức bay Flycam cần tuân thủ:

  • Đăng ký xin cấp phép bay Drone trước khi bay

  • Thông báo lịch bay dự kiến trước ngày bay

  • Hiểu rõ các quy định, nội dung khi tổ chức bay

  • Tuân thủ các quy tắc, quy định, điều kiện trong phép bay

  • Thực hiện nghiêm quyết định đình chỉ bay và báo cáo đầy đủ, chính xác kết quả bay về cơ quan giám sát, điều hành bay.

  • Bồi thường thiệt hại khi xảy ra các vấn đề mất an toàn về người và của.

 

Các hành vi bị nghiêm cấm

Theo Khoản 1 Điều 14 của Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được phép tổ chức bay như sau:

  • Tổ chức bay khi chưa có giấy phép bay

  • Bay ngoài phạm vi giới hạn cho phép của thiết bị.

  • Vi phạm quy định về quản lý lãnh thổ và biên giới quốc gia.

  • Chở theo các chất phóng xạ, chất gây cháy nổ trên thiết bị bay.

  • Thả các đồ vật hay các chất nguy hiểm từ trên không xuống mặt đất khi Drone đang bay.

  • Gắn thêm các thiết bị nhằm mục đích quay chụp trên không khi không được cho phép.

  • Thực hiện các hành vi treo cờ, phát loa tuyên truyền không đúng với quy định cấp phép bay.

  • Không thực hiện nghiêm các lệnh, hiệu lệnh từ cơ quan giám sát, điều hành bay.

 

Quy định về xử phạt khi vi phạm

Theo Điều 16 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, khi các cá nhân hay tổ chức vi phạm các quy định về luật bay, tùy vào sai phạm mà có hình thức xử phạt tương ứng như phạt hành chính, thu hồi giấy phép bay đã cấp, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, theo khoản 5 Điều 19 Nghị định 147/2013/ NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

  • Phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường hợp cá nhân thực hiện chuyến bay không đúng với phép bay và mục đích bay như đã khai báo.

  • Phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp cá nhân tổ chức hoạt động bay mà không có giấy phép bay.

Ngay cả các thiết bị bay phục vụ nông nghiệp cũng cần phải xin cấp phép bay đúng và đủ

Những khu vực bị hạn chế và cấm bay tại Việt Nam

Theo quyết định số 18/2020/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/06/2020, các khu vực hạn chế bay và cấm bay đối với các thiết bị bay không người lái đã được thiết lập rõ ràng. Vì vậy, người điều khiển cần nắm rõ những khu vực này để thực hiện bay an toàn.

Khu vực bị hạn chế bay

  • Vùng trời có độ cao trên 120m so với địa hình (không gồm các khu vực bị cấm bay).

  • Khu vực đông dân cư, đông người.

  • Khu vực biên giới giáp với Trung Quốc cách đường biên 25.000m ở mọi độ cao. Khu vực biên giới giáp với Lào, Campuchia cách đường biên 10.000m ở mọi độ cao.

  • Khu vực giáp với vùng bị cấm bay tại cảng hàng không, sân bay có máy bay hàng không dân dụng hoạt động, máy bay quân sự mở rộng ra phía ngoài (rộng 3.000m; dài 5.000m) tính từ ranh giới khu vực cấm bay tại cảng hàng không, sân bay tại độ cao thấp hơn 120m so với địa hình.

  • Trong một số trường hợp, các thiết bị bay không người lái có thể được phép bay trong các khu vực hạn chế nếu đáp ứng các yêu cầu của tổ chức cấp phép bay.

Khu vực bị cấm bay

  • Khu vực bao gồm các công trình quốc phòng hoặc các quân khu đặc biệt do trực tiếp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, quản lý và bảo vệ. (Flycam được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này ít nhất 500m theo chiều ngang ở mọi độ cao)

  • Khu vực là trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan, ban, ngành Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung Ương các cấp tỉnh, cấp thành phố trực thuộc Trung Ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự quán, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam. (Flycam được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này ít nhất 200m theo chiều ngang ở mọi độ cao)

  • Khu vực quốc phòng, an ninh. (Flycam được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này ít nhất 500m theo chiều ngang ở mọi độ cao)

  • Khu vực cảng hàng không, sân bay có máy bay hàng không dân dụng, quân sự đang hoạt động (chi tiết tại quyết định 18/2020/QĐ-TTg).

  • Các khu vực nằm trong giới hạn hoạt động của đường hàng không, các vệt bay, hành lang bay đã được cấp phép trong vùng trời Việt Nam, phạm vi giới hạn của đường hàng không đã được Cục Hàng không Việt Nam công bố trên Tập thông báo tin tức hàng không của Việt Nam “AIP Việt Nam”.

CẦN TƯ VẤN VỀ THỦ TỤC CẤP PHÉP BAY CHO CÁC THIẾT BỊ?

Quý khách hàng, doanh nghiệp cần tư vấn thông tin chi tiết hơn về thủ tục cấp phép cho thiết bị bay không người lái Drone cũng như cần demo sản phẩm vui lòng liên hệ với AONIC Việt Nam để được kết nối và hỗ trợ nhanh chóng.

Liên lạc

Bạn có thắc mắc? Các chuyên gia về máy bay không người lái của chúng tôi sẵn sàng trợ giúp